Năng lượng sinh khối

Wednesday, July 12, 2006

'Xanh' hóa nguồn năng lượng - Hướng đầu tư mới

'Xanh' hóa nguồn năng lượng - Hướng đầu tư mới

Việc Tiến sĩ Thái Xuân Du - Trưởng phòng công nghệ tế bào thực vật - Viện Sinh học nhiệt đới công bố thử nghiệm thành công dầu diesel từ hạt dầu mè cho thấy xu hướng “xanh” hóa nguồn năng lượng.


Quả cây dầu mè. Ảnh: Phan Nam


Xu hướng sử dụng nguồn nhiên liệu sinh học (biofuel) đang mở ra một hướng đầu tư mới cho các doanh nghiệp Việt Nam...

Theo dự báo của các nhà khoa học, đến khoảng năm 2050-2060, nếu không tìm được những nguồn năng lượng mới thay thế, thế giới có thể lâm vào khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.

Bởi vậy, biofuel đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà đầu tư trên thế giới (đặc biệt là Mỹ, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ). Một trong các hướng quan trọng sản xuất diesel sinh học mà Tiến sĩ Du quan tâm là chiết xuất từ hạt cây Jathopha curcas; ở Việt Nam thường gọi là cây dầu mè, có nơi còn gọi là cây cọc rào (vì chúng thường được dùng để rào dậu).

Loại cây này có nguồn gốc Ấn Độ (hiện chưa xác định được nó du nhập Việt Nam từ khi nào, nhưng được trồng khá phổ biến, rất thích hợp điều kiện thổ nhưỡng Việt Nam). Được biết, Ấn Độ cũng là nước đã nghiên cứu, chiết xuất thành công dầu diesel từ loại cây này.

Theo Tiến sĩ Thái Xuân Du, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin Tiến sĩ Du chiết xuất thành công sản phẩm dầu diesel sinh học từ hạt dầu mè đã khiến nhiều người lầm tưởng đây là công nghệ mới; thực ra Tiến sĩ Du chỉ là người thừa kế và phát triển ở Việt Nam; và điều đáng nói nhất: ở Việt Nam ông là người dám bỏ tiền túi ra để đầu tư thử nghiệm việc này.

Khi được hỏi về khả năng phát triển cây dầu mè để chiết xuất dầu diesel tại Việt Nam, Tiến sĩ Du tỏ ra khá lạc quan: Việc chiết xuất dầu diesel từ hạt mè không phải là khó, công nghệ đầu tư cũng rất đơn giản.

Vấn đề là việc tổ chức triển khai trên diện rộng như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để có thể sản xuất quy mô lớn, cần có vùng nguyên liệu và có nhà đầu tư.

Nếu có chính sách hợp lý và được đầu tư đúng mức, hoàn toàn có thể cạnh tranh được với sản phẩm dầu diesel hiện nay, thậm chí có thể tính đến phương án xuất khẩu. Tại Ấn Độ - cái nôi của công nghệ này, chính phủ đề ra mục tiêu sản xuất 40 triệu tấn dầu diesel từ cây dầu mè.

Nguồn nhiên liệu cho tương lai

Không phải đến bây giờ, khi Tiến sĩ Du đưa ra công bố trên mới được dư luận trong nước quan tâm. Ngay từ năm 2004, công ty Secoin đã lập dự án nông - lâm nghiệp kỹ thuật cao; trong đó có đề cập đến phát triển cây nguyên liệu làm diesel sinh học.

Trên thực tế, công ty đã có nhiều cuộc trao đổi với giáo sư Udipi Shrinivasa - Chủ nhiệm chương trình SUTRA của Viện Khoa học Ấn Độ - người phát triển công nghệ chiết xuất dầu diesel từ cây dầu mè.

Tuy nhiên, vấn đề mà công ty Secoin cũng như Tiến sĩ Du còn băn khoăn chính là việc nghiên cứu để tìm ra một giải pháp tổng thể cho cây dầu mè nhằm phát huy hết hiệu quả kinh tế.

Cây dầu mè có nhiều lợi ích, tác dụng. Trước hết, các bộ phận của cây dầu mè tạo ra các sản phẩm như: Phân bón, lấy gỗ, than gỗ, làm thuốc. Hạt dầu mè sau khi ép sẽ cho 60% bã chứa 20% protein làm phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp rất tốt, mỗi tấn có thể bán với giá 1 triệu đồng.

Trong Từ điển cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam có viết: Nhựa mủ cây dầu mè được dùng ngoài để trị vết thương, cầm máu, bỏng, bệnh ngoài da; dịch ép lá bôi ngoài chữa trĩ; dầu hạt trị bệnh da, thấp khớp, đau dây thần kinh hông, liệt…

Lợi ích từ cây dầu mè rất lớn; tuy nhiên điều khó khăn hiện nay là phải thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tiến sĩ Du khẳng định: “Nếu được các doanh nghiệp đứng ra đầu tư, chúng tôi sẽ cho nhập thêm giống có năng suất cao hơn, và tất nhiên khi được đưa vào sản xuất quy mô lớn thì hiệu quả kinh tế cũng sẽ cao hơn”.

Phong Cầm & Phan Nam - Tiền Phong Online

0 Comments:

Post a Comment

<< Home