Năng lượng sinh khối

Monday, August 22, 2005

Sản xuất điện từ rác nông nghiệp, cơ hội mới cho đồng bằng sông Cửu Long


Hội thảo Tổng kết đề tài BIWARE (Biomass and Waste Renewable Energy) ở Việt Nam được tổ chức tại Kiên Giang gần đây đã đưa ra nhiều giải pháp ứng dụng tái tạo năng lượng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

ĐBSCL mỗi năm có trung bình trên 3,5 triệu tấn trấu và 8,7 triệu tấn rơm rạ được thải ra qua quá trình sản xuất lúa. Ngoài ra, những nhà máy, cơ sở sản xuất đường trong khu vực còn thải ra có 1,53 triệu tấn bã mía. Khi sử dụng các giải pháp tái tạo nặng lượng, tất cả các loại rác, chất thải kể trên, đều có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất điện giá rẻ làm giảm ô nhiễm môi trường.

EU đã chấp thuận tài trợ một dự án tiền khả thi cho việc lắp đặt nhà máy phát điện chạy bằng nhiên liệu biogas được tạo ra từ chất thải trong sinh hoạt và dịch vụ tại Phú Quốc.

Dự kiến, dự án sẽ được khởi động trong năm nay nhằm giúp cho người dân tại hai xã ở phía Bắc đảo Phú Quốc, đủ điện sử dụng. Dự án này sẽ giúp Phú Quốc giải quyết tốt tình trạng rác thải tràn lan gây ô nhiễm môi trường. Tiến sĩ Phạm Khánh Toàn (Viện Năng lượng, Bộ Công nghiệp) cũng khẳng định: Việc phát triển các nhà máy điện dựa trên nguồn năng lượng sinh khối được xem là giải pháp hữu hiệu trong tương lai vì vừa giảm được sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu than, dầu, vừa giảm được tổn thất chuyển tải, phân phối điện. Tại ĐBSCL khả thi nhất là nên áp dụng mô hình sản xuất điện từ rác thải nông nghiệp.

Cần Thơ đang chuẩn bị tiến hành xây dựng nhà máy điện sử dụng nguyên liệu trấu công suất từ 2,5 đến 3 MW (sử dụng 60 tấn trấu/ngày). Tỉnh An Giang cũng dự tính xây dựng một nhà máy điện tương tự. Theo các chuyên gia nước ngoài, chỉ cần vài tỉ đồng đã có thể sở hữu một nhà máy điện công suất nhỏ.

(Nguồn: TTXVN)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home