Năng lượng sinh khối

Saturday, July 29, 2006

Nơi nào có dịch vụ làm hầm biogas?

Nơi nào có dịch vụ làm hầm biogas?

TT - * Gia đình tôi nuôi 10 con heo, phân heo thải ra gây mùi hôi cho gia đình và hàng xóm. Xin hỏi nơi đâu có dịch vụ làm hầm biogas? Nếu tôi muốn tự làm hầm biogas để giảm chi phí thì có được không? (Võ Tá Bân, quận Tân Bình, TP.HCM)

* TS BÙI XUÂN AN (giảng viên khoa công nghệ môi trường, ĐH Nông lâm TP.HCM - ảnh) trả lời:

- Lượng phân thải ra của 10 con heo là đủ để làm túi biogas và cung cấp một lượng khí gas để nấu nướng cho một hộ gia đình 5-7 người. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có bộ phận chuyên lắp đặt, hướng dẫn và bán vật dụng để làm túi biogas hoặc xây hầm biogas.

Một túi gas qui mô hộ gia đình gồm có: túi ủ, túi dự trữ, ống dẫn gas đến bếp... có giá khoảng 1 triệu đồng. Thời gian sử dụng trên 10 năm. Anh Bân có thể mua vật dụng và xem tài liệu kỹ thuật để tự lắp ráp.

Còn nếu thuê luôn dịch vụ lắp đặt hoàn chỉnh thì sẽ tính thêm tiền công khoảng 150.000-200.000 đồng. Túi gas phải được đặt trên hầm rộng khoảng 10m. Nếu diện tích nhỏ hơn, anh Bân có thể xây hầm gạch (chiều rộng khoảng 5-7m) chìm dưới đất. Thường một hệ thống hầm gạch biogas có giá 5-6 triệu đồng.

Muốn biết thêm chi tiết, anh có thể liên hệ số ĐT: 8964422 để được giải đáp.

PV

Thursday, July 20, 2006

Sử dụng biogas để chạy máy phát điện

Sử dụng biogas để chạy máy phát điện
SGGP:: Cập nhật ngày 20/07/2006 lúc 22:37'(GMT+7)

Sau hơn 1 năm nghiên cứu chế tạo và cho chạy thử nghiệm tại trang trại Hồng Sinh (Dầu Tiếng- Bình Dương), thạc sĩ Nguyễn Đình Hùng, Trưởng nhóm chế tạo động cơ của bộ môn Ô tô - Máy động lực thuộc Khoa Kỹ thuật Giao thông - Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, công trình nghiên cứu sử dụng khí biogas để chạy máy phát điện đã hoàn tất.

Anh Nguyễn Đình Hùng (áo trắng) và cộng sự kiểm tra sự vận hành của máy phát điện sử dụng động cơ chạy biogas. Ảnh: CAO THĂNG

Theo đó, phân gia súc sẽ được ủ để tạo khí; khí từ hầm sẽ được dẫn lên theo đường ống, dẫn tới túi tích khí rồi đi qua bộ lọc để xử lý khí H2S và được trộn mùi để khử bớt mùi hôi của khí NH3-N trong biogas.

Cũng tại đây, khí sẽ được tách nước (tách ẩm) sơ bộ, sau đó máy nén sẽ có nhiệm vụ nén khí tách ẩm, đảm bảo lưu lượng biogas cấp cho động cơ…, khí sẽ được đốt để phát điện. Ưu điểm nổi bật của nghiên cứu này là đã tách hoàn toàn lượng H2O và khí H2S ra khỏi biogas giúp tăng cường tuổi thọ động cơ và xử lý triệt để mùi hôi do khí H2S (mùi trứng thối) và NH3-N (mùi khai) có trong khí biogas.

Những hộ gia đình chăn nuôi nhỏ, lẻ (từ 8-12 con heo, bò…) có thể sử dụng công nghệ này để phát điện. Thạc sĩ Nguyễn Đình Hùng cho biết, chi phí lắp đặt một động cơ loại có công suất 2,5 kW là từ 8 đến 10 triệu đồng và mất khoảng 3,5 ngày.

TUỆ MẪN

Wednesday, July 12, 2006

'Xanh' hóa nguồn năng lượng - Hướng đầu tư mới

'Xanh' hóa nguồn năng lượng - Hướng đầu tư mới

Việc Tiến sĩ Thái Xuân Du - Trưởng phòng công nghệ tế bào thực vật - Viện Sinh học nhiệt đới công bố thử nghiệm thành công dầu diesel từ hạt dầu mè cho thấy xu hướng “xanh” hóa nguồn năng lượng.


Quả cây dầu mè. Ảnh: Phan Nam


Xu hướng sử dụng nguồn nhiên liệu sinh học (biofuel) đang mở ra một hướng đầu tư mới cho các doanh nghiệp Việt Nam...

Theo dự báo của các nhà khoa học, đến khoảng năm 2050-2060, nếu không tìm được những nguồn năng lượng mới thay thế, thế giới có thể lâm vào khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.

Bởi vậy, biofuel đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà đầu tư trên thế giới (đặc biệt là Mỹ, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ). Một trong các hướng quan trọng sản xuất diesel sinh học mà Tiến sĩ Du quan tâm là chiết xuất từ hạt cây Jathopha curcas; ở Việt Nam thường gọi là cây dầu mè, có nơi còn gọi là cây cọc rào (vì chúng thường được dùng để rào dậu).

Loại cây này có nguồn gốc Ấn Độ (hiện chưa xác định được nó du nhập Việt Nam từ khi nào, nhưng được trồng khá phổ biến, rất thích hợp điều kiện thổ nhưỡng Việt Nam). Được biết, Ấn Độ cũng là nước đã nghiên cứu, chiết xuất thành công dầu diesel từ loại cây này.

Theo Tiến sĩ Thái Xuân Du, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin Tiến sĩ Du chiết xuất thành công sản phẩm dầu diesel sinh học từ hạt dầu mè đã khiến nhiều người lầm tưởng đây là công nghệ mới; thực ra Tiến sĩ Du chỉ là người thừa kế và phát triển ở Việt Nam; và điều đáng nói nhất: ở Việt Nam ông là người dám bỏ tiền túi ra để đầu tư thử nghiệm việc này.

Khi được hỏi về khả năng phát triển cây dầu mè để chiết xuất dầu diesel tại Việt Nam, Tiến sĩ Du tỏ ra khá lạc quan: Việc chiết xuất dầu diesel từ hạt mè không phải là khó, công nghệ đầu tư cũng rất đơn giản.

Vấn đề là việc tổ chức triển khai trên diện rộng như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để có thể sản xuất quy mô lớn, cần có vùng nguyên liệu và có nhà đầu tư.

Nếu có chính sách hợp lý và được đầu tư đúng mức, hoàn toàn có thể cạnh tranh được với sản phẩm dầu diesel hiện nay, thậm chí có thể tính đến phương án xuất khẩu. Tại Ấn Độ - cái nôi của công nghệ này, chính phủ đề ra mục tiêu sản xuất 40 triệu tấn dầu diesel từ cây dầu mè.

Nguồn nhiên liệu cho tương lai

Không phải đến bây giờ, khi Tiến sĩ Du đưa ra công bố trên mới được dư luận trong nước quan tâm. Ngay từ năm 2004, công ty Secoin đã lập dự án nông - lâm nghiệp kỹ thuật cao; trong đó có đề cập đến phát triển cây nguyên liệu làm diesel sinh học.

Trên thực tế, công ty đã có nhiều cuộc trao đổi với giáo sư Udipi Shrinivasa - Chủ nhiệm chương trình SUTRA của Viện Khoa học Ấn Độ - người phát triển công nghệ chiết xuất dầu diesel từ cây dầu mè.

Tuy nhiên, vấn đề mà công ty Secoin cũng như Tiến sĩ Du còn băn khoăn chính là việc nghiên cứu để tìm ra một giải pháp tổng thể cho cây dầu mè nhằm phát huy hết hiệu quả kinh tế.

Cây dầu mè có nhiều lợi ích, tác dụng. Trước hết, các bộ phận của cây dầu mè tạo ra các sản phẩm như: Phân bón, lấy gỗ, than gỗ, làm thuốc. Hạt dầu mè sau khi ép sẽ cho 60% bã chứa 20% protein làm phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp rất tốt, mỗi tấn có thể bán với giá 1 triệu đồng.

Trong Từ điển cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam có viết: Nhựa mủ cây dầu mè được dùng ngoài để trị vết thương, cầm máu, bỏng, bệnh ngoài da; dịch ép lá bôi ngoài chữa trĩ; dầu hạt trị bệnh da, thấp khớp, đau dây thần kinh hông, liệt…

Lợi ích từ cây dầu mè rất lớn; tuy nhiên điều khó khăn hiện nay là phải thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tiến sĩ Du khẳng định: “Nếu được các doanh nghiệp đứng ra đầu tư, chúng tôi sẽ cho nhập thêm giống có năng suất cao hơn, và tất nhiên khi được đưa vào sản xuất quy mô lớn thì hiệu quả kinh tế cũng sẽ cao hơn”.

Phong Cầm & Phan Nam - Tiền Phong Online

Sản xuất biodiesel từ dầu ăn phế thải

Sản xuất biodiesel từ dầu ăn phế thải

TT - Sau hai năm nghiên cứu, kỹ sư Nguyễn Trung Trực (nhà ở Bùi Hữu Nghĩa, quận 5, TP.HCM) đã nghiên cứu và sản xuất thành công dầu biodiesel từ dầu ăn phế thải, mỡ cá, mỡ động vật...

Bằng cách dùng cồn và dung môi gia nhiệt dầu ăn để tách nước, chất bẩn ra khỏi dầu, dầu biodiesel do kỹ sư Trực chế ra có màu vàng trong, không có mùi hôi. Khi sử dụng cho động cơ, máy nổ giòn và có khói bạc.

Anh Âu Lâu Khuê, nhà ở huyện Long Điền, xã Phước Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người thường xuyên mua dầu biodiesel do kỹ sư Trực chế, cho biết anh mua dầu biodiesel để sử dụng cho ghe đi biển đã gần một năm nay. So với dầu diesel có nguồn gốc dầu mỏ, dùng dầu diesel sinh học ít hao hơn 10%.

THU THẢO

Saturday, July 01, 2006

Máy phát điện chạy bằng biogas

28-06-2006 22:46:52 GMT +7

Kỹ sư Lang và máy phát điện công suất 10 KW chạy bằng biogas
(NLĐ) - Sau hơn 4 tháng nghiên cứu, kỹ sư Bùi Hoàng Lang cùng anh trai, thường trú tại ấp Long Thạnh, xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, đã chế tạo thành công máy phát điện sử dụng nhiên liệu từ biogas.

Theo kỹ sư Lang, loại máy phát điện này thích hợp với các trang trại chăn nuôi, người dân ở vùng sâu vùng xa, những vùng không có điện (hoặc điện yếu). Để chạy máy phát điện công suất 3 KW liên tục trong 6 giờ, chỉ cần lượng chất thải của 30 con heo, 5 KW (60 con heo) và 10 KW (100 con heo); dòng điện từ máy phát điện ổn định ở mức 220 V, có thể chạy máy bơm, tủ lạnh và máy xay lúa, bắp.

Với việc chế tạo thành công máy phát điện dùng nhiên liệu biogas, các chủ trang trại chăn nuôi và người dân sẽ không phải lo lắng việc xử lý nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được kinh phí. Đồng thời, chủ động được nguồn điện trong chăn nuôi và sinh hoạt trong gia đình.

Tin – ảnh: T. Tiến